ao-nhung-ba-chua-xu

Chuyện về chiếc áo nhung của Bà Chúa Xứ núi Sam

Sau vẻ rực rỡ của chiếc áo, là tấm lòng thành kính của người dân gửi gắm đến Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Chiếc áo được dệt nên, dâng lên bà bằng một tín ngưỡng dân gian vô cùng mãnh liệt…

image 12

Hễ thấy những điểm bán áo choàng, mão Bà thế này, tức là cách Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam rất gần. Những chiếc áo có cùng kích thước: Ngang 1,8m, dài 2m, chất liệu nhung đủ màu (nhưng hầu như không ai dâng áo màu trắng cho Bà, điều này chưa lý giải được).

image 20

Theo truyền thuyết, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Phải nhờ 9 cô gái đồng trinh mới đưa Bà xuống núi được. Quá trình lập miếu thờ, người dân đã may áo cho Bà. Dần dần, phong tục dâng áo cúng Bà được lưu truyền rộng rãi.

image 3
image 15

Theo thời gian, công nghệ hiện đại, chiếc áo cũng dần được may với chất liệu tốt hơn, đính hột đá, cườm lấp lánh, kỳ công hơn; tạo hình rồng, phụng, hạc…, nhưng vẫn trên nền vải nhung. Mỗi chiếc áo loại thường thế này, có giá khoảng 1,8 triệu đồng. Áo có chất liệu nhung tuyết hoặc đính đá mắc tiền, có giá từ 6 triệu đồng đến 30 triệu đồng/bộ (bao gồm cả mão, hài).

image 19
image 17
image 21
image 10

Những chiếc mão được thực hiện công phu, đủ màu sắc, kiểu dáng, có thể nặng từ 2-3kg đến vài chục kg. Mão thường giá 1,8 triệu đồng; loại đắt tiền hơn có mức giá 6 triệu đến hàng chục triệu đồng. Người mua có thể phối hợp áo, mão, hài cùng màu, hoặc khác màu, tùy theo nhu cầu.

image 4

Hiện nay, toàn bộ nhung y cúng bà đều được gia công từ TP. Hồ Chí Minh, chứ người dân địa phương chưa thực hiện được. Theo chị Như (cửa hàng An Bình, đường Hoàng Diệu), những vật phẩm này được bán đắt nhất vào dịp đầu năm và cuối năm, khi nhu cầu cúng lễ, trả lễ  Bà tăng cao.

image 2

Anh Trần Minh Đăng (ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) thường tìm mua các vật phẩm cúng Bà theo thông lệ hàng năm của gia đình. “Mẫu mã rất phong phú, giá cả cũng tùy thuộc chất liệu, nơi bán, nên tôi thường tìm hiểu nhiều cửa hàng trước khi đặt mua” – anh Đăng chia sẻ.

image 11

Ngay giữa chánh điện, Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo choàng thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu. Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng nhung y dâng Bà có lúc lên đến 7.000 – 8.000 chiếc áo.

image 13

Để ghi nhận tấm lòng khách thập phương, Ban Quản trị thực hiện phương án choàng cùng lúc nhiều chiếc áo cho Bà. Đối với áo thêu tương đối cầu kỳ, chiếm diện tích, chỉ mặc tối đa 3 chiếc/lần. Còn áo thường có thể mặc được 7-8 chiếc/lần.

image 7

Hàng tháng, Ban Quản trị tổ chức thay áo, mão cho Bà 2 lần: Vào tối 13, sáng 14 âm lịch; tối 28, sáng 29 âm lịch (tháng thiếu) hoặc tối 29 sáng 30 âm lịch (tháng đủ). Áo, mão được chọn theo hình thức bốc thăm.

Người may mắn sẽ được cho hay trước, sắp xếp làm lễ cúng áo, mão dâng cho Bà. Đặc biệt, 5 ngày lễ chính mùa Vía Bà (từ lễ tắm bà 23/4 âm lịch đến 27/4 âm lịch), chỉ mặc duy nhất 1 áo cho bà, vật phẩm cũng từ quá trình bốc thăm chọn lễ vật của người dân.

image 9

Những chiếc áo đã được Bà khoác, sau khi “xuống áo” sẽ được tập hợp lại, chuyển sang công đoạn cắt ra làm lộc gửi tặng khách viếng Bà. Theo tâm linh, chiếc áo đã được Bà khoác sẽ mang đến may mắn, tài lộc cho người nhận.

image 6

Những chiếc áo đẹp, có giá trị cao được lưu giữ tại phòng trưng bày của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Nhiều chiếc áo lên đến 200 – 300 triệu đồng, theo lời người dâng cúng. Có những chiếc áo chưa thể bốc thăm trúng, chưa được khoác cho Bà, nhưng vẫn được đưa vào khu trưng bày vì rất đẹp.

image 1

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, số lượng vật phẩm cúng Bà rất lớn, khu trưng bày không thể kham xuể, đang định xây dựng, mở rộng thêm. Nhiều chiếc mão kích thước lớn hơn so với truyền thống, được lưu giữ riêng.

image
image 8

Hiện, đơn vị mở cửa phòng trưng bày từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày, giúp du khách thuận tiện tham quan. Đa số đều trầm trồ, thích thú trước những chiếc áo đủ màu, kết đá uy nghi, nặng trĩu.

image 16
image 18
image 14
image 5

Sau khi tham quan, cúng viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, người dân sẽ được nhận lộc miễn phí. Đó là những mảnh vải nhung trơn hoặc vải còn kết đá, cườm, cắt ra từ áo Bà đã khoác. Đây là món quà ý nghĩa dành tặng cho khách du lịch, giúp họ thêm niềm tin tâm linh, mong muốn quay trở lại khu du lịch quốc gia này.

Nguồn tham khảo

An Giang Online | https://baoangiang.com.vn/chuyen-ve-chiec-ao-nhung-cua-ba-chua-xu-nui-sam-a365350.html
mo-co-nam-chau-doc

Giai thoại kỳ bí về ngôi mộ cổ Cô Năm Châu Đốc

Trên đường Vòng Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), từ miếu Bà đi về phía chùa Hang – Phước Điền vài cây số có một ngôi miếu lớn, cổng đề biển “Mộ Cô Năm”. Với những tài xế, tài công đường dài trên cung đường này, mộ Cô Năm Châu Đốc là một địa chỉ tâm linh cứu rỗi nguy tai trong hành trình mưu sinh. Hầu như tài xế, tài công nào đi qua đây cũng phải ghé vào đốt vài nén hương khấn Cô phù trợ tay lái vững vàng. Còn những thương lái kỳ hồ xuyên Đông Dương thì xem Cô năm là nữ thần hộ mệnh, chống gian tặc dọc đường.

Ngôi mộ và niềm tin tâm linh đó hiện hữu suốt hơn 200 năm nay đối với người dân địa phương và khách vãng lai qua lại cung đường này. Và xung quanh đó có cả những chuyện lợi dụng “buôn thần, bán thánh”…

mo co nam
Mộ Cô Năm Châu Đốc

Đối với một số trường phái huyền thuật, “xác cô Năm Châu Đốc, cốt cậu Bảy Tây Ninh” là 2 vị thần linh ứng luôn cứu trợ, phò nguy những trường hợp tai nạn, tai họa bất ngờ.

Môn phái võ bùa gồng Trà Kha của người Khmer, khi lên đài giáp chiến tỉ thí, võ sĩ thường đọc một bài chú cầu an, trợ lực: “Ko nam chaudoc chau trakha puop khia á rập momo ni ni adi da phat” (Cầu xin cô Năm Châu Đốc ra oai thần trợ giúp, A Di Đà Phật).

Trước năm 1975, tại Sài Gòn, một số pháp sư thường mượn linh danh cô Năm để “nhập xác soi căn”. Một số lính tráng thuộc lực lượng biệt động quân dùng ảnh cô Năm có vẽ bùa thần, ép nhựa rồi để trong túi áo ngực trái để “đạn né”. Một số tài xế lái xe đường dài hoặc tài công lái tàu khu vực phía Nam dùng ảnh cô Năm treo trên cabin xe, tàu đốt nhang thờ phụng như thờ Phật Quán Thế Âm để cầu an.

Cho đến tận bây giờ, một số cư dân sinh sống ở vùng Châu Đốc vẫn còn thói quen: Mỗi khi đưa trẻ em đi trên quãng đường hơn 5 cây số, cha mẹ đều khấn xin phép cô Năm để… an toàn khi tham gia giao thông. Những bạn hàng ở chợ Châu Đốc, khi tranh chấp một “hợp đồng kinh tế miệng” thường cùng nhau đến mộ cô Năm thề độc: “Xin cô Năm chứng giám soi xét. Ai ăn gian, ăn lận, xin cô Năm vặn cổ, hộc máu chết tươi”. Người ta đồn rằng, đã từng có trường hợp, sau khi khấn thề xong, người sai quấy lăn đùng ra ngất nên người ta càng tin vào sự linh nghiệm của cô (?).

Ngày nay, uy linh cô Năm đã lan sang cả đất Mỹ. Ở đường số 9, San Jose, California có thầy tướng số mang pháp danh Diệu Phượng dùng linh danh cô Năm Châu Đốc làm “bùa hộ mạng” câu khách mê tín. Một thầy pháp tên Jo ở Los Angeles thì dùng linh ảnh cô Năm “úm” thêm một vài món linh vật linh tinh để bán cho dân mê bài đeo vào cổ, gọi là “the witch’s physics”. Điều đó cho thấy cô Năm đã trở thành một vị thánh “nổi tiếng”, không chỉ lẩn quẩn trong phạm vi núi Sam mà vượt đại dương tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư ở nửa phía bên kia quả địa cầu. Vì sao cô Năm lại trở thành linh nghiệm như thế?

Giai thoại kể rằng, cô Năm là cô con gái xinh đẹp trong một gia đình người Tàu, họ Thái rất đông con, sinh sống bằng nghề bán thịt heo quay ở chợ Châu Đốc vào thời điểm giữa thế kỷ XVIII. Những buổi chợ ế, cô thường đội thúng heo quay trên đầu, rảo chân đi khắp khu vực rao bán heo quay. Tính tình cô Năm rất thẳng thắn và ghét kẻ mua già bán non nên nhiều người quý mến. Nhiều gia đình khá giả dạm hỏi cưới cô Năm cho con trai nhưng cô luôn từ chối. Cô thường nói “ở vậy để trả hiếu cho cha mẹ”.

Khi cô Năm bước vào tuổi 18, sắc đẹp trở nên lung linh bởi làn da trắng hồng và màu môi đỏ như cánh sen.

Một ngày nọ, mẹ cô Năm đang ngồi bán ở chợ Châu Đốc thì thấy cô vào chợ đến khu vực bán vải mua 1 cây vải thô. Lấy làm lạ, mẹ cô chạy đến hỏi mua vải thô làm gì. Cô trả lời, mua về tẩn liệm. Nghe đến đó, mẹ cô tá hỏa vì nghĩ cha cô đã chết. Bà tức tốc bỏ ngang buổi chợ chạy về nhà thì thấy chồng mình cùng chòm xóm đang dựng rạp chuẩn bị đám tang. Bà mừng rỡ chạy vào nhà thì thấy tử thi cô con gái thứ Năm đang nằm giữa nhà chờ tẩn liệm.

Hỏi ra mới biết, cô Năm đang trên đường bán dạo thịt heo quay, bỗng dưng khuỵu chân nằm chúi xuống đường. Mọi người chạy đến thì thấy cô đã tắt thở… Tử thi cô được người dân tốt bụng thuê xe ngựa đưa về nhà. Thời đó, người ta cho rằng, những trường hợp đột tử như vậy là do “ngũ hành bắt hồn những người tốt để làm thánh”. Mẹ cô Năm kể lại việc trông thấy cô đi chợ mua đồ tẩn liệm mình cho mọi người nghe nhưng không ai tin, cho đó là chuyện nhìn thấy người giống người.

Do nhà nghèo, ít đất nên cha mẹ cô Năm xin gia đình sui gia (bên vợ của người con trai thứ tư là hương chủ khu vực chân núi Sam) cho một thước đất ven triền núi Sam làm nơi yên nghỉ cho cô. Thuở đó, khu vực chân núi Sam còn hoang sơ hiu quạnh, khỉ ho, cò gáy. Nhờ gia đình nhà sui tốt bụng, mộ cô Năm được xây bằng hợp chất vôi, ô dước.

Chuyện đồn thổi rằng, một thời gian ngắn sau đó, những tài xế xe tải có tuyến chạy ngang núi Sam thường thấy một cô gái xinh đẹp đứng đón xe xin quá giang ở gần khu vực mộ cô Năm. Thời đó, dân xe đường dài thường tìm cách quấy rối tình dục những phụ nữ xin quá giang xe. Và những gã tài xế có máu xấu đó đều bất ngờ bị đau bụng lăn lộn cho đến khi đến tận mộ cô Năm tạ lỗi mới hết. Từ đó, khi chạy ngang đoạn đường này, các tài xế thường ghé vào đốt nhang khấn cô rồi mới tiếp tục hành trình. Có người quả quyết rằng, trên những cung đường xa, nhờ có cô Năm độ trì, họ đã thoát nhiều vụ tai nạn hy hữu (?!).

Những người nghèo khó buôn bán ế ẩm, khi đến khấn cô Năm đều được ban lộc mua may, bán đắt. (?!)

Còn một giai thoại cũng không kém phần huyền bí mà người dân địa phương hiện nay vẫn còn truyền tụng về sự linh ứng của cô Năm. Đó là chuyện tấm di ảnh. Thời cô Năm, máy ảnh chưa phổ biến, những gia đình khá giả thường thuê họa sĩ vẽ chân dung người lớn tuổi để khi qua đời có di ảnh thờ. Cô còn trẻ, chưa vẽ chân dung nên khi chết không có di ảnh thờ.

Cả trăm năm sau khi cô Năm chết, mới có một chiếc tàu là hiệu ảnh di động trên sông cập bến Châu Đốc. Chủ hiệu ảnh là Bằng Robert từ Mỹ Tho trôi dần về Châu Đốc. Một ngày nọ, đang ế ẩm, ông chủ hiệu ảnh đốt nhang khấn xin cô Năm trợ giúp. Vừa khấn xong, có một thiếu nữ xinh đẹp bước lên ghe yêu cầu chụp ảnh. Cô gái đề nghị thợ ảnh Bằng Robert lên bến, chụp cô đứng cạnh một chiếc xe hơi. Trên tay cô còn cầm 1 điếu thuốc hút đang nghi ngút khói. Chụp xong, cô gái đặt tiền cọc rồi lấy phiếu hẹn ngày đến lấy ảnh.

Trước khi rời đi, cô gái còn nói đùa: “Mai mốt đắt khách, anh phải mua con heo quay ở chợ Châu Đốc cám ơn tôi mở hàng”. Sau đó, cô gái mất tăm, không đến lấy ảnh nữa. Điều lạ là từ ngày cô gái đến chụp ảnh thì chiếc tàu ảnh trở nên nhộn nhịp vì đắt khách (?).

Nghĩ rằng cô gái không có tiền lấy ảnh, người thợ lấy bức chân dung treo lên vách tàu làm ảnh mẫu. Con cháu của cô Năm đi ngang chiếc tàu chụp ảnh và nhận ra đó là chân dung… cô Năm. Họ báo cho Bằng Robert biết điều đó. Thế là Bằng Robert mua ngay 1 con heo quay đến tận mộ cô Năm tạ ơn. Ông ta còn bỏ tiền ra cất một ngôi miếu nhỏ thờ cô. Cho đến tận năm 1975, rất nhiều gia đình ở Châu Đốc vẫn dùng bức ảnh này để thờ trên bàn thờ gia tiên.

Nghe đồn rằng, sau này, một số người được “cô Năm phù hộ” kinh doanh khấm khá đã đến xây thêm vòng rào và mái che toàn bộ ngôi mộ. Những người trong gia tộc cô Năm khi qua đời đều được an táng cạnh mộ cô dưới mái che. Thế là ngôi miếu trở thành một nhà mồ gia tộc cho đến tận bây giờ.

Tất cả những điều trên chỉ là giai thoại xuất phát từ niềm tin tâm linh của những người di dân mở cõi phương Nam. Ông Bảy Sàng – một bậc kỳ lão sinh sống gần cả đời tại núi Sam lý giải những chuyện huyền bí xảy ra tại mộ cô Năm: “Khi tranh chấp những giao kèo làm ăn, người ta thường kéo nhau ra mộ cô Năm để thề. Những người này mang tâm lý cô Năm rất linh thiêng. Vì vậy, người gian sẽ lo sợ cô Năm hiển linh vặn cổ thật. Lo sợ quá dẫn đến việc lăn ra ngất, co giật. Từ hiện tượng đó, người ta càng tin rằng, cô Năm rất linh. Việc hàng trăm năm sau cô Năm đi chụp ảnh chân dung thì không ai kiểm chứng được. Không ai có ảnh thật của cô Năm để so sánh”.

Để tìm hiểu sự tích thật ngôi mộ cổ huyền bí, chúng tôi tìm đến tận nhà ông Lại Văn Hung (sinh năm 1925, cư ngụ ấp Vĩnh Tây, phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) là người trong tộc họ của chủ phần đất có mộ cô Năm Châu Đốc. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn minh mẫn nói chuyện rành mạch.

Ông cho biết, ngày xưa khi còn là đứa trẻ ông đã thấy ngôi mộ cô Năm Châu Đốc hiện diện trên phần đất của gia tộc. Thuở đó, ông nghe những bậc cao niên kể rằng, phần mộ cô Năm có từ thời ông nội Lại Văn Bài. Lại Văn Bài là hương chủ giàu có thời Pháp thuộc. Ông Bài có rất nhiều con. Trong đó, có người con gái thứ sáu tên Lại Thị Báu lấy chồng tên Tư là người Hoa. Cô Năm Châu Đốc là em ruột của ông Tư.

Khi cô Năm chết, ông Lại Văn Bài thấy cảnh nghèo của gia đình cô Năm nên cho chôn cất cô tại phần đất gia tộc. Hiện nay, hàng chục ngôi mộ nằm trong khuôn viên miếu đều là người trong gia tộc họ Lại. Tuy nhiên, những người đang thay phiên nhau làm thủ từ trong miếu lại là những người cháu của cô Năm, không liên quan gì đến họ Lại.

Tham khảo thêm người dân địa phương, chúng tôi nhận được một số ý kiến phàn nàn về việc hiện nay người ta đã lạm dụng những giai thoại trên để thực hiện nhiều hành vi mê tín dị đoan tại mộ cô Năm Châu Đốc như bói toán, xin số đề.

Sự thực dụng của một số người đã làm giảm một phần uy linh của cô Năm Châu Đốc. Giá như, người ta không buôn thần, bán thánh, làm hoen ố những giai thoại mang tính răn thiện như từ xưa vốn có, để mộ cô Năm trở thành một địa chỉ lưu dấu văn hóa tín ngưỡng của tiền nhân thì đáng quý biết bao. Tiếc thay!

Nguồn tham khảo

Công An Nhân Dân | https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Giai-thoai-ky-bi-ve-ngoi-mo-co-Co-Nam-Chau-Doc-i307394/
ly-ky-su-tich-ba-chua-xu

LY KỲ SỰ TÍCH VỀ BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM Ở VÙNG CHÂU ĐỐC AN GIANG

Châu Đốc, An Giang trước đây có tên là “vùng Thất Sơn”. Đây là địa danh ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Nhắc đến Châu Đốc thì không thể không nhắc đến chùa Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng khắp cả nước. Án ngữ ngay cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, từ nhiều năm qua, miếu bà chúa Xứ Núi Sam luôn giữ kỷ lục về lượng khách tham quan chiêm bái với hơn 4 triệu lượt người mỗi năm. Người ta đến viếng Bà với lòng tôn kính, sùng bái trước bao truyền thuyết về tượng Bà Chúa Xứ. Vậy tượng bà xuất hiện từ khi nào và các sự tích ly kỳ về bà Chúa Xứ ở vùng Châu Đốc An Giang là gì, mời quý khách cùng tìm hiểu nhé.

1. Nguồn gốc tượng bà Chúa Xứ chứa nhiều giai thoại

Theo truyền thuyết, tượng phật bà Chúa Xứ là một pho tượng cổ rất thiêng nằm trên đỉnh núi Sam từ rất lâu. Lịch sử về nguồn gốc pho tượng bà Chúa Xứ có nhiều giả thuyết chứa đựng nhiều điều bí ẩn còn lưu truyền đến ngày nay.

Giả thuyết 1: Vào năm 1941, nhà khảo cổ người Pháp đã đến miếu bà chúa Xứ Núi Sam khảo sát rất tỉ mỉ và kết luận tượng bà thuộc loại tượng thần Vishnu, nguồn gốc từ Ấn Độ. Tượng bà chúa làm bằng chất liệu đá Sa Thạch có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6.

Giả thuyết 2: Trong chương trình khảo cổ học nét xưa, cố nhà văn Sơn Nam lại đưa ra khẳng định, tượng Bà là pho tượng phật đàn ông của người Khơ Me bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Sau này, người Việt đưa tượng vào miếu điểm tô lại với nước sơn mới trở thành tượng phật đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền.

ly ky su tich ba Chua Xu nui Sam
Nguồn gốc tượng bà Chúa Xứ với nhiều giả thuyết kỳ bí

Ông Trần văn Dũng tác giả của công trình khoa học “Khai phá vùng đất Châu Đốc” cũng khẳng định, tượng bà Chúa Xứ thật ra là tượng nam ngồi ở tư thế vương giả, phần đầu của tượng hiện thờ tại miếu không phải là nguyên gốc được chế tác sau làm bằng chất liệu khác với phần thân tượng

2. Ly kỳ việc di chuyển tượng Bà xuống núi

Miếu Bà Chúa Xứ hiện tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang nhưng tượng bà Chúa Xứ trước đây nằm trên đỉnh núi. Sau này, người dân mới cung thỉnh bà xuống chân núi tiện việc nhang khói, chăm sóc tượng bà. Việc di chuyển tượng bà xuống núi cũng có những câu chuyện ly kỳ không thể lý giải được.

Trước đây, khi chưa được xây miếu thì người Việt mình lên núi vô tình nhìn thấy pho tượng bỏ quên từ lâu. Người dân ta không biết đó là vị thần, vị thánh hay tín ngưỡng nào hết chỉ là theo phong tục có thờ có thiêng nên đã đặt lư hương để nhang khói tín ngưỡng tâm linh. Nhưng điều đặc biệt là bà chúa Xứ lúc đó rất linh hiển, khiến cho người dân đặc biệt tin tưởng, sùng bái bà.

nghi thuc ruoc ba chua xu nui sam
Lễ rước tượng bà Chúa Xứ mô phỏng trong lễ hội Vía bà

Với mong muốn được thờ cúng Bà được thuận tiện và trang nghiêm hơn, các bậc cao niên trong làng thời đó đã hội họp bàn bạc đưa tượng Bà xuống núi dựng miếu thờ Bà. Chín thanh niên trai tráng, lực lưỡng được giao nhiệm vụ khiêng tượng bà xuống núi. Nhưng kỳ lạ là dù làm thế nào thì tượng bà cũng không hề nhúc nhíc. Đúng lúc đó, có một cô gái được Bà nhập xác báo mộng phải cử chín cô gái đồng trinh, tắm gội sạch sẽ lên làm lễ rước Bà xuống. Điều kỳ tích xảy ra sau khi làm theo thì chín cô gái đã khiêng tượng Bà xuống một cách nhẹ nhàng.

Khi rước tượng Bà đến chỗ lập miếu thờ bà bây giờ, bỗng nhiên tượng Bà nặng trĩu không thể đi tiếp được nữa. Các bậc trưởng lão mới khẳng định rằng, bà đã chọn nơi này nên đã đặt tượng bà xuống tựa lưng vào vách núi, nhìn ra ngoài cánh đồng, nơi dân làng sinh sống để lập miếu.

3. Bà Chúa Xứ hiển linh bảo vệ dân làng, chống giặc ngoại xâm

Thời bấy giờ, người Việt sinh sống tại vùng đất này hay bị người Xiêm (Thái Lan) tràn sang cướp bóc, xâm chiếm. Khi đã phát hiện ra tượng Bà trên đỉnh núi và đặt lư hương cúng bái tâm linh, người dân thường chạy trốn lên núi vì đặt niềm tin vào bà chúa Xứ. Và quả thật, mỗi lần lên thắp hương cầu khấn xin bà bảo vệ thì đều được an toàn. Vì vậy, người dân ở đây ngày càng đặt niềm tin mãnh liệt vào bà chúa Xứ.

tuong ba chua
Tượng bà Chúa Xứ trong miếu trang nghiêm ngày nay

Có một giai thoại kể lại rằng, có khoảng mấy chục tên giặc Xiêm rượt đuổi người dân theo lên núi thấy pho tượng của bà to, đẹp, bọn chúng muốn mang tượng bà về nước. Khi họ dùng dây thừng và cây đòn xỏ qua pho tượng để khiêng về, dù là mấy chục binh lính tráng sĩ khiêng nhưng chỉ đi được vài bước thì pho tượng nặng trịch, không thể đi được nữa. Tên tướng cầm đầu tức giận quá lấy binh khí ra đập bể một cánh tay của bà. Và lập tức, bà trừng phạt tên này chết ngay tại chỗ, những tên còn lại hoảng loạn bỏ chạy. Từ đó quân Xiêm kính sợ, không dám sách nhiễu dân làng ở vùng đó nữa. Dân làng cũng từ đấy tôn kính gọi Bà là Bà Chúa Xứ. Bởi vậy mà ngày nay, chính điện của miếu Bà chúng ta sẽ thấy câu đối:

“Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị

Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng”

Có nghĩa là: Cầu bà tất được, ban thì tất linh, báo điềm trong mộng

Người Xiêm khiếp sợ, người Thanh kính nể, không thể tưởng tượng được.

4. Ly kỳ những câu chuyện linh ứng của bà Chúa xứ

Đầu thế kỷ 19, ông Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) tên thật là Nguyễn Văn Thoại, người Quảng Nam thừa lệnh vua Gia Long đã vào trấn thủ vùng Tây Nam Bộ. Ông đã tham mưu và được triều đình giao cho việc đào kênh Vĩnh Tế. Con kênh này dài 100km, rộng 50m nối Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại nhằm thoát lũ, xả phèn cho đồng bằng sông Cửu Long và rút ngắn con đường giao thương, đường thủy phía Tây vùng đồng bằng.

Mặc dù 8 vạn nhân công được huy động, song khi bắt đầu vào cuộc thì liên tiếp gặp trục trặc, nhiều người chết vì tai nạn, bệnh tật, thú dữ tấn công. Trước khó khăn đó, bà Châu Thị Tế vợ ông Thoại đã nghe lời dân làng lên núi Sam khấn vái pho tượng thiêng. Quả nhiên sau khi hành lễ, việc xây dựng công trình diễn ra suôn sẻ, làm đâu được đó. Từ đó, ông đặt niềm tin tuyệt đối vào bà chúa Xứ, quyết định trùng tu, xây dựng miếu bà chúa Xứ trang nghiêm và nguy nga, để nhân dân thờ cúng bà được chu đáo và thành tâm hơn.

be da sa thach
Bệ đá Sa Thạch trên đỉnh Núi Sam – nơi ngự của tượng bà ngày xưa

Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện kể về sự linh thiêng của bà Chúa Xứ trong việc ban phước lành cho nhân dân, trừng trị kẻ ác cũng được người dân Châu Đốc truyền tai nhau từ đời này qua đời khác. Các câu chuyện linh ứng không chỉ là truyền thuyết mà ngày nay, người dân đi chùa bà Chúa Xứ kêu cầu cũng được bà giúp đỡ. Điều đó đã chứng minh cho sức mạnh tâm linh của người dân nơi đây và du khách thập phương khi đến với chùa bà Chúa Xứ.

Tham khảo, đặt ngay những Tour du lịch Miền Tây hot nhất do Viet Fun Travel tổ chức.

Các câu chuyện xoay quanh pho tượng bà Chúa Xứ nổi tiếng khắp cả nước, thu hút cả triệu người đến chiêm bái mỗi năm. Quả thực, còn nhiều bí ẩn, ly kỳ sự tích về bà Chúa Xứ. Dù pho tượng là đàn ông hay đàn bà và nguồn gốc đến từ đâu đi chăng nữa thì trong tâm thức người dân miền tây Nam Bộ, bà Chúa xứ là điểm tựa tâm linh cho rất nhiều người. Những giai thoại về bà Chúa Xứ vẫn tiếp tục lưu truyền cho thế hệ mai sau về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

giai-thoai-mieu-ba

Những giai thoại bí ẩn về miếu Bà Chúa Xứ ở vùng thất sơn linh thiêng

Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Châu Đốc, An Giang trước đây có tên là “vùng Thất Sơn”. Nhắc đến Châu Đốc thì không thể không nhắc đến chùa Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng khắp cả nước. Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Án ngữ ngay cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, đây là địa danh ẩn chứa nhiều điều kỳ bí.  

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang

Theo truyền thuyết, tượng Bà Chúa Xứ là một pho tượng cổ rất thiêng nằm trên đỉnh núi Sam từ rất lâu. Thêm một điểm sẽ khiến du khách bất ngờ khi được biết tượng Bà Chúa Xứ thực ra là tượng nam được sách kỷ lục An Giang ghi nhận là pho tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam. Đáng tiếc là phần đầu của tượng hiện đang thờ tại miếu Bà không phải là nguyên gốc, mà được chế sau bằng loại đá khác với thân tượng.

Khoảng năm 1820, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau trốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về nước. Nhưng khi vừa khiêng đi được một đoạn đường ngắn, tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được. Khi đó, một tên trong bọn giặc tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt.  

Theo nhân gian truyền miệng thì vị trí đặt tượng bà hiện nay cũng là do Bà chọn. Khoảng 200 năm trước, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, chỉ bảo dân làng phải khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Tuy nhiên, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyển nổi tượng Bà. 

Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết: “Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng”. Dân làng làm theo lời và quả đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng. Khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam ban đầu được cất đơn sơ bằng tre, đất và đất. Về sau năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãn và Nguyễn Bá Lăng.

Hàng năm, cứ đến ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch thì chính quyền nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà rất trang trọng. Lễ hội diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch với 5 nghi thức lễ khác nhau như:

– Lễ “tắm Bà” được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch.

– Lễ “thỉnh sắc” tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà, được cử hành lúc 15 giờ chiều ngày 24.

– Lễ túc yết và Lễ xây chầu: Lễ “túc yết” là lễ dâng lễ vật (lễ vật chính là con heo trắng) và tiến hành nghi thức cúng Bà, lúc 0 giờ khuya đêm 25 rạng 26. Ngay sau đó, là “Lễ xây chầu” mở đầu cho việc hát bộ (còn gọi là hát bội hay hát tuồng).

– Lễ chánh tế được cử hành vào 4 giờ sáng ngày 27.

– Lễ hồi sắc được cử hành lúc 16 giờ chiều cùng ngày, ngay sau khi Lễ chánh tế kết thúc. Đây là lễ đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng.

Trong quá trình diễn ra lễ, người dân đến kính viếng, xin xăm Bà, vay tiền Bà, thỉnh bùa Bà… để về làm ăn. Năm 2005, lễ hội Vía Bà (lễ hội vía bà Chúa Xứ) được Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Nguồn tham khảo: https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/nhung-giai-thoai-bi-an-ve-mieu-ba-chua-xu-o-vung-that-son-linh-thieng-c9a16168.html

kham-pha-lang-thoai-ngoc-hau (3)

Những câu chuyện về sự linh ứng của Thoại Ngọc Hầu

Mùa hạ năm 1829, Thoại Ngọc Hầu qua đời tại Châu Đốc. Di hài ông được đưa về chôn cất bên cạnh phần mộ hai người vợ dưới chân núi Sam. Từ đây, Thoại Ngọc Hầu – một danh thần có công khai phá đất đai trở thành vị thần bảo hộ cho dân chúng nơi miền đất mới.

kham pha lang thoai ngoc hau 3
Thoại Ngọc Hầu và những câu chuyện tâm linh

Năm 1924, một người Sài Gòn là Cao Văn Đức từ Hà Tiên về ngang núi Sam có ghé thăm phần mộ Thoại Ngọc Hầu, bấy giờ gọi là “lăng quan Bảo hộ” hoặc “lăng quan Tiền nhậm”. Cao Văn Đức có dịp trao đổi với một cụ già 77 tuổi, từ Gò Công dời lên Châu Đốc đã 30 năm. Câu chuyện được đăng hai kỳ trên báo Lục tỉnh tân văn. Nhờ đó ta biết được sự linh ứng của Thoại Ngọc Hầu trong lòng dân chúng thời đó.

den tho thoai ngoc hau the ky 20
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam đầu thế kỷ 20, còn phải lên bằng thang tre

Theo lời của cụ già: “Ba mươi năm trước ai tới lăng ngài, thề dối ra không khỏi lăng; từ 25 năm trở lợi đây ngài đặng tiên tịch rồi, cũng giảm sự hiển hích đó”. Bấy giờ, hoạt động chủ yếu là cầu cơ thỉnh thuốc. Thoại Ngọc Hầu tỏ ra là một vị thần công bằng, ưu tiên bảo trợ cho người nghèo khó. Cụ già cho biết: “Trong các nơi nào có cầu tiên thỉnh thuốc thì ở tại nơi nhà mình viết hịch, hương đăng cầu vái đốt hịch, đến bữa cầu, mình vào đàng, ngài vô cơ, tỏ lời trong hịch mình cầu ngài đó. Trên nầy có một hai lần. Tỷ như, thầy lo sắm lễ cầu thỉnh thuốc, tôi cũng muốn xin, nghiệt tôi không tiền hùn với thầy, bổn phận tôi hèn không dám léo gần, tôi ra trước cửa nhà nhang đèn vái lạy ngài, than riêng bổn phận nghèo, không biết làm sao xin ngài toa thuốc. Chừng ngài về ngài ra toa, ngài cho tôi trước, giao cho chư nho đem lại nhà cho tôi, sau mới cho thầy, thầy không tin lời của tôi đây, thầy hỏi hội tề làng Vĩnh Tế coi thì biết. Đừng hỏi một người”.

Tuy nhiên, Thoại Ngọc Hầu cũng nghiêm khắc với những ai khinh lờn mình. Cụ già kể: “Cách 5 năm rồi [tức năm 1919] làng cầu tiên thỉnh thuốc, đêm đó ngài vô cơ; chư nho phần thức khuya phần mệt, chư nho bị lạy nhiều lần có ý mỏi gối, quên lạy nghinh ngài, ngài trách hương chức vô lễ, ngài không xưng tên; các chư nho hỏi pháp sư đàng tên Hương bộ Huynh: Vị nào lên mạnh quá vậy? Bộ Huynh ra hết miếng năn nỉ hết lời ngài không kể. Huynh viết trong tay của Huynh bốn chữ: Hoặc tà hoặc thần, giấu ngài, đưa xuống cho chư nho coi; ngài trách Huynh sao dám luận ngài tà thần, ngài cắt trên đầu Huynh một cây cơ, văng khăn đen, nhào ra ngoài. Chừng ngài ra cơ, kế Lý tiên ông về hỏi thăm; Lý ông nói: Đại tiên Ngọc Hầu trách chư nho vô lễ; phạt Huynh khi ngài tà thần. Lý tiên cho Huynh một bài thi không hiểu là gì; năm sau Huynh thắt cổ chết, trong nhà vợ soạn bài ra xúm coi, mới biết là tiên thần đả, thì bất đắc kỳ tử”.

Lúc đó vẫn chưa xây đền thờ Thoại Ngọc Hầu. Từ năm 1857 đời Tự Đức, hương ước làng Vĩnh Tế Sơn đã có lệ cúng Thoại Ngọc Hầu hằng năm. Việc quý tế diễn ra ngay tại khu lăng. Lúc Cao Văn Đức đến núi Sam, làng Vĩnh Tế đã tính đến việc dựng đền thờ, nhưng vì làng nghèo nên chưa dựng được. Năm 1928, Đốc phủ Trương Tấn Vị, ông phủ Vương Quang Trực và những người hảo tâm trong tỉnh cùng chung tay dựng một đền thờ phía sau lăng, làm nơi thờ phụng Thoại Ngọc Hầu cùng hai vị phu nhân, có bài vị phối thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tả quân Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản.

Anh chup man hinh 2024 05 06 160559

Sắc phong đình Vĩnh Trường

TƯ LIỆU TRẦN HOÀNG VŨ

Vị tôn thần của vùng biên viễn

Ngoài các nơi thờ tự đã biết như đình Thoại Sơn, đền thờ ở núi Sam, Thoại Ngọc Hầu còn được thờ chính hoặc phối thờ ở nhiều đình khác dọc vùng biên giới. Tại xã Phước Hưng, H.An Phú (An Giang) có đình Phước Hưng thờ Thoại Ngọc Hầu. Bài vị đề Khâm sai Thống chế, Bảo hộ Cao Miên quốc, Án thủ Châu Đốc đồn, kiêm quản Hà Tiên trấn đương vụ biên thùy khai chi thần, lập năm Kỷ Tỵ, Quang Tự thứ 31 (1905). Ở xã Vĩnh Trường, H.An Phú cũng có đình Vĩnh Trường, ở H.Châu Thành (An Giang) có đình Cần Đăng thờ Thoại Ngọc Hầu. Ở ngã ba Thông Bình, H.Tân Hồng (Đồng Tháp) cũng có đình thần Thông Bình thờ Thoại Ngọc Hầu. Đặc biệt ở đình Vĩnh Trường còn có sắc phong năm Bảo Đại thứ 11 (1936), sắc phong cho Khâm sai Thống chế, Án thủ Châu Đốc đồn, Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn Nguyễn Ngọc Thoại tôn thần là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần. Sắc phong này tuy muộn hơn sắc phong của làng Vĩnh Tế, nhưng lại sớm hơn nhiều so với sắc phong ở đình Thoại Sơn.

Thoại Ngọc Hầu còn được tòng tự trong nhiều đình thờ khác, như đình Châu Phú, đình Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc, An Giang), đình Đa Phước, đình Vĩnh Thành (H.An Phú). Các đình này đều có bài vị Thoại Ngọc Hầu gộp chung với một số nhân thần khác. Đình Mỹ Đức (H.Châu Phú, An Giang) tuy không có bài vị, nhưng trong văn tế Chạp miếu có nhắc đến Thoại Ngọc Hầu. 

Nguồn tham khảo: https://thanhnien.vn/thoai-ngoc-hau-qua-nhung-phat-hien-moi-tu-danh-than-den-ton-than

Danh tướng Thoại Ngọc Hầu

Danh Tướng Thoại Ngọc Hầu và Sự Phát Triển Của Vùng Đất Thoại Sơn

Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật Nguyễn Văn Thoại), người mà tên tuổi đã gắn liền với cư dân vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là trên vùng đất Thoại Sơn. Bởi, ông là người đã “thay trời mở đất mênh mông”. Công đào kênh Thoại Hà và lập làng, dựng bia Thoại Sơn của danh thần Thoại Ngọc Hầu trải qua 200 năm vẫn còn nguyên giá trị.

kham pha lang thoai ngoc hau 1 1
Danh tướng Thoại Ngọc Hầu

Thuở xưa, vùng đất Thoại Sơn vẫn còn là nơi hoang địa, rừng thiên nước độc, hang ổ của muôn thú. Sinh mệnh của con người luôn bị đe dọa bởi sự khắc nghiệt của môi trường sơn lâm chướng khí, hiểm họa đói nghèo bệnh tật, thú dữ và sự cướp bóc của bọn thảo khấu.

Và rồi, sự xuất hiện của vị danh tướng lẫy lừng Nguyễn Văn Thoại đã làm đổi thay tất cả, mở ra trang sử mới cho vùng đất nơi đây. Do giao thông, thương mại gặp nhiều khó khăn, việc trao đổi hàng hóa thời bấy giờ đều phải đi vòng đường biển, rất bất tiện, cần phải khơi nguồn, tháo bớt 1 phần nước lũ của sông Hậu ra biển Rạch Giá nên mùa xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua, Nguyễn Văn Thoại đã chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh: “Hôm nay, tại chân núi Sập bên bờ kênh Lạc Dục, trong tiết trời đầu xuân, lão thần vâng chỉ triều đình tuyên cáo, khởi đào nối kênh Đông Xuyên ra bờ biển phía Tây, tạo đường giao thông thuận tiện, hầu trị yên biên cương giữ vững bờ cõi…”. Vậy là, “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/Mưa nắng càng bền dạ sắt son”, hơn 1.500 nhân binh luân phiên đào kênh dưới sự chỉ huy của danh tướng lẫy lừng Thoại Ngọc Hầu.

Qua 1 tháng đào đắp, với việc phát hoang cỏ rậm, nạo vét cát, bùn, mở rộng rạch cùng Lạc Dục (từ Ba Bần vào Núi Sập), từ đó đào thẳng hướng Núi Sập – Kiên Giang mà hình thành kênh mới. Con kênh rộng 20 tầm (51,2m), dài 12.410 tầm (31,744km), nghiễm nhiên trở thành 1 con sông to, ghe thuyền tấp nập. Vị tướng của dân được triều đình khen ngợi và ban dụ cho lấy tên tước Thoại Ngọc Hầu đặt tên con kênh là Thoại Hà và Núi Sập thành Thoại Sơn. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu đã long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Vậy là, địa danh Thoại Sơn ra đời đến nay vừa tròn 196 năm.

Hậu thế lưu truyền, đời đời nhớ ơn!

Thoại Sơn hôm nay có nhiều thay đổi, từ thị tứ đến làng quê sum vầy, cuộc sống ấm no, tất cả nhờ công đức của các bậc tiền nhân, trong đó có công rất lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Để tưởng nhớ công ơn ấy, hàng năm, vào ngày mùng 10-3 (âm lịch), tại đền thờ Thoại Ngọc Hầu, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội rất lớn. Đây được xem là ngày lễ trọng đại nhất của người dân Thoại Sơn, là dịp để lãnh đạo địa phương báo công những thành quả đã đạt được trong quá trình lao động sản xuất trên mảnh đất gắn liền với bước chân khai hoang, mở cỏi của Thoại Ngọc Hầu.

đền thờ Thoại Ngọc Hầu
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu

Cùng ngày với Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu, Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn đã thu hút hàng ngàn người về đây để tỏ lòng tri ân đối với vị thần có công trên vùng đất này. Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống nhằm phục vụ cho bà con Nhân dân, không chỉ trong huyện mà còn ở khắp các nơi, đặc biệt là ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng, Quảng Nam), nơi đã sinh ra người con ưu tú Thoại Ngọc Hầu.

Năm 2018 là năm thứ 17 huyện Thoại Sơn tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống và kỷ niệm 17 năm kết nghĩa giữa huyện Thoại Sơn và quận Sơn Trà nhằm thắt chặt mối quan hệ gắn bó, tình cảm giữa 2 địa phương. Chương trình sân khấu hóa tái hiện hình ảnh danh thần Thoại Ngọc Hầu nam tiến khai hoang mở cõi, đào kênh, dựng bia lập làng.

“Có thể ngày Tết bận bịu việc làm ăn mưu sinh, nhiều người đành lỡ hẹn không về nhưng đến ngày khai hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu gần như ai cũng sắp xếp về tham dự. Bởi, với những người con đất Thoại Sơn, đây được xem là ngày lễ quan trọng nhất. Họ đến không chỉ để bái lại mà còn xin lộc thần, hy vọng thần sẽ phù hộ chuyện gia đạo, làm ăn “thuận buồm xuôi gió”. Khi còn nhỏ, tôi thường theo ông mình vào đình thần Thoại Ngọc Hầu quét dọn. Khi đó, mọi người có chuyện xích mích, cải vã thường dẫn nhau đến đình giải quyết. Khi ấy, chỉ cần thắp xong 1 nén nhang, chuyện dù lớn thế nào cũng hóa nhỏ, từ nhỏ sẽ hóa không. Có lẽ, nhờ tôn kính oai nghiêm thần nên mọi người không muốn ông phải chứng kiến chuyện không hay…”- ông Nguyễn Trung Nhựt (Từ phòng đình thần Thoại Ngọc Hầu, thị trấn Núi Sập) kể lại.

bia da thoai son
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu và tấm bia Thoại Sơn được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia

Với tấm lòng trọn đời vì nước, vì dân, trong 52 năm thực thi công vụ, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã lập nhiều chiến tích và công trạng. Để xứng đáng với công ơn to lớn ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội ấm no, kinh tế phát triển, quốc phòng vững mạnh, đặc biệt là nỗ lực đạt huyện nông thôn mới. Tất cả sẽ là những bó hoa tươi thắm nhất, xứng đáng nhất dâng lên vị thần kính yêu của vùng đất núi Thoại sông Hà. Để thế hệ sau tự hào khẳng định rằng: “Ở đâu sông nước dọc ngang/ Cò bay thẳng cánh ruộng đồng tốt tươi/ Ở đâu biển bạc cá đầy/ Thoại Sơn ta đó dang tay đón chào”.

Nguồn tham khảo: http://atv.org.vn/tin-tuc/tin-trong-tinh/ve-thoai-son-nghe-chuyen-thoai-ngoc-hau-3990.html


KDL CÁP TREO NÚI SAM

Hotline: 0869.519.678 – 0869.519.679

Email: saletour.mga@gmail.com

Fanpage:

Cáp treo Núi Sam Châu Đốc

KDL Cáp treo Núi Sam