Về với mảnh đất An Giang, du khách có dịp được đặt chân đến vùng đất Thất Sơn tâm linh với bảy dãy núi nổi tiếng, trong đó có Núi Cấm. Đây là địa điểm được du khách chọn làm điểm cúng bái, tham quan bởi sự linh thiêng, huyền bí cùng khí hậu mát mẻ, phong cảnh tuyệt đẹp.
Có nhiều truyền thuyết giải thích về tên gọi Núi Ông Cấm (hay còn gọi là Núi Cấm, Thiên Cấm Sơn). Cách giải thích đầu tiên cho rằng cái tên núi Cấm xuất phát từ lệnh Cấm dân lên núi của vua Nguyễn Phúc Ánh (tên gọi trước của vua Gia Long). Vua đã từng lánh nạn quân Tây Sơn ở trên núi này nên đã ban lệnh cấm người dân lui tới nơi đây. Hiện nay, ở trên núi Cấm vẫn còn điện Gia Long để thờ vua Gia Long.
Cách giải thích thứ hai cho rằng Núi Cấm xưa là nơi sinh sống của loài hổ trắng (Bạch Hổ) nên đã cấm người dân lên núi. Trên Núi Cấm ngày nay có tới 10 hang Ông Hổ nên càng nhiều người tin rằng ngày xưa trên núi này đã từng có rất nhiều con hổ sinh sống.
Đó là những cách mà nhân dân đã truyền tai nhau giải thích cho tên gọi Núi Ông Cấm. Cả hai cách giải thích đều có sự hợp lý, song chưa thể chắc chắn rằng cách giải thích nào là đúng nhất. Chính điều này cùng với những câu chuyện bí ẩn đã mang đến sự tò mò cho du khách tìm đến với Núi Ông Cấm để khám phá và chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi này.
Núi Ông Cấm được xem là “nóc nhà xanh” của miền Tây, với độ cao 705 mét so với mực nước biển tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với độ cao như thế, du khách có thể di chuyển lên Núi Ông Cấm bằng nhiều cách như: đi cáp treo, xe máy, hoặc cũng có thể đi bộ. Dù đi với phương tiện nào thì du khách cũng có thể thưởng lãm cảnh sắc núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây.
Những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến khu du lịch Núi Ông Cấm: Chùa Vạn Linh, Chùa Phật Lớn, hồ Thủy Liêm, điện Bồ Hong (Vồ Bồ Hong), công viên nước Thanh Long, Suối Thanh Long. Ngoài việc được tham quan ngắm nhìn những cảnh sắc tuyết đẹp nơi đây, khách thập phương cũng sẽ được người dân bản xứ đón tiếp rất nhiệt tình và nồng hậu. Chính những điều này đã giúp cho nơi đây là một trong những địa điểm khó quên nhất vùng bảy núi.
Nguồn tham khảo
https://dulich.laodong.vn/du-lich-tam-linh/huyen-bi-nhung-cau-chuyen-ve-nui-cam-931258.html
Leave a comment